Theo truyền thống Trung Quốc và Dược điển Trung Quốc (2005), đông trùng hạ thảo (ĐTHT) có tác dụng bổ phổi, bổ thận, cầm máu, làm tan đờm, trị ho mãn tính, điều trị chứng ra mồ hôi tự phát và phục hồi sức lực sau khi ốm. Gần đây, các nghiên cứu về các đặc tính dược lý của ĐTHT đã xác nhận rằng nó có nhiều tác dụng có lợi đối với các rối loạn phổi bao gồm hen suyễn, ho không dứt, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phế quản và xơ phổi.
Các bệnh về đường hô hấp
Phổi có bản chất rất ẩm nên trở thành nơi thích hợp cho vi khuẩn phát triển. Một số bệnh đường hô hấp là do nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút ở phổi.
- Hen suyễn là một tình trạng do phế quản bị viêm và gây co thắt. Các triệu chứng bao gồm khó thở và thở khò khè. Một số tác nhân gây ra bệnh hen suyễn bao gồm ô nhiễm không khí, dị ứng và nhiễm virus.
- Viêm phế quản là một tình trạng bệnh lý hay gặp, thường do nhiễm trùng phổi gây ra, khiến các tổ chức tại phế quản bị viêm và ảnh hưởng tới hoạt động chức năng của phổi.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một cụm từ được nghe phổ biến ngày nay và dùng để chỉ những tổn thương ở phổi dẫn đến khó thổi khí ra ngoài. Tình trạng này cũng gây ra khó thở và nguyên nhân chủ yếu là do hút thuốc.
- Xơ phổi là bệnh mà các mô trong phổi bị tổn thương, dày và cứng vì tính đàn hồi đã bị mất, gây ra sẹo ở phổi. Chính những sẹo phổi đã ngăn chặn và cản trở hoạt động hít thở của người bệnh. Bệnh còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác.
- Lao phổi là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn có tên là Mycobacterium tuberculosis (MTB) gây ra tại phổi của người bệnh. Bệnh lý gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Công dụng của đông trùng hạ thảo đối với hệ hô hấp
Giãn phế quản
- Rất nhiều nghiên cứu invivo về công dụng của ĐTHT đối với hệ hô hấp đã được thực hiện như nghiên cứu của Zhang và Zhang (1958) [1], Li và cộng sự (1983) [2], Wang và Zhao (1987) [3]. Các kết quả thu được đều cho thấy Đông trùng hạ thảo có tác dụng giãn phế quản và ngăn ngừa bệnh hen suyễn trên động vật thử nghiệm.
- Đặc biệt trong thử nghiệm của Lin năm 2011, kết quả cho thấy chức năng phổi và tình trạng viêm đường thở của chuột được cải thiện đáng kể khi sử dụng đông trùng hạ thảo (Lin et al., 2001) [4].

Giảm viêm
- Viêm là một phản ứng tự nhiên xảy ra trong cơ thể để loại bỏ các yếu tố có hại như tế bào bị hư hỏng, chất kích thích và mầm bệnh bằng cách khởi động hệ thống chữa bệnh. Các bệnh hô hấp khác nhau như hen suyễn, hội chứng suy hô hấp cấp, xơ nang và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cũng thường xảy ra tình trạng viêm [5].
- Cordycepin là thành phần chính có trong ĐTHT đã được báo cáo có tác dụng ức chế các chất trung gian gây viêm như TNF-α, nitric oxide (NO), prostaglandin E₂, nhờ đó làm giảm tình trạng viêm xảy ra trong cơ thể [6,7].
- Các thử nghiệm trực tiếp trên mô hình chuột bị bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính đã cho thấy đông trùng hạ thảo có tác dụng duy trì cấu trúc biểu mô phổi bình thường và hoạt động như một chất chống viêm phế quản trong quá trình phát triển của bệnh [8,9,10].

Long đờm và tăng vận chuyển niêm mạc đường hô hấp
- Đờm hay đàm, là chất nhầy được tiết ra từ tế bào đường hô hấp dưới, thành phần bao gồm bạch cầu mủ, hồng cầu, tế bào miễn dịch và có thể chứa những chất được hít vào phổi. Đờm thường được tiết ra rất nhiều trong các bệnh như hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản, bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính.
- Vận chuyển niêm mạc đường hô hấp nhờ sự phối hợp của các tế bào lông chuyển giúp đẩy chất nhầy ra khỏi đường dẫn khí. Hoạt động này có tác dụng làm sạch đường dẫn khí loại, giúp loại bỏ mầm bệnh và hạt bụi lắng đọng khỏi bề mặt đường thở.
- Wei và cộng sự đã thực hiện một thử nghiệm trên chuột vào năm 2002. Kết quả thu được cho thấy đông trùng hạ thảo hoạt động như một chất long đờm, làm thay đổi cấu trúc và giảm độ quánh nhớt của đờm nhầy, từ đó khiến đờm có thể dễ dàng được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hành động khạc nhổ hoặc thông qua hệ thống lông chuyển [11].
- Một nghiên cứu thực nghiệm khác của Fung và Ko cho thấy hoạt chất cordycepin có hiệu quả cải thiện cả sự thanh thải chất nhầy khỏi đường hô hấp và hydrat hóa bề mặt đường thở tạo ra sự gia tăng tốc độ vận chuyển niêm mạc [12].

Giảm sự xơ hóa
- Xơ phổi là sự thay thế chất gian bào giàu elastin và có tính đàn hồi cao bằng các sợi collagen mang tính co thắt bất thường, do đó làm mất đi tính đàn hồi của phổi.
- Thử nghiệm của Yang năm 2005 trên mô hình chuột bị xơ hóa phổi cũng cho thấy đông trùng hạ thảo giúp cải thiện sự chuyển hóa collagen, do đó làm giảm quá trình xơ hóa phổi [13].
- Hoạt chất cordycepin đã được báo cáo là làm giảm quá trình xơ hóa ở phổi bằng cách ức chế sự biểu hiện yếu tố chuyển đổi tăng trưởng-β1 (TGF-β1, một yếu tố gây xơ hóa do thúc đẩy quá trình tăng sinh và biệt hóa nguyên bào sợi) [14,15] và thúc đẩy sự suy thoái collagen [16].

Kháng vi khuẩn gây bệnh lao
- Báo cáo của Huang vào năm 2019 cho rằng cordycepin có thể tiêu diệt Mycobacterium bằng cách chiếm đoạt adenosine kinase của vi khuẩn nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của adenosine kinase của con người. Hơn nữa Nghiên cứu còn cho thấy việc sử dụng đồng thời cordycepin và deoxycoformycin giúp tiêu diệt M. bovis và M.tuberculosis hiệu quả hơn.
Thử nghiệm hiệu quả của đông trùng hạ thảo trên lâm sàng
Ngoài những tác dụng hữu ích được báo cáo đối với các mô hình động vật, các thử nghiệm lâm sàng cũng đã được tiến hành. Kết quả đã chứng minh rằng sợi nấm đông trùng hạ thảo có hiệu quả trong điều trị viêm phế quản mãn tính, hen suyễn và các bệnh hô hấp khác trên bệnh nhân. Cụ thể:
- Thử nghiệm lâm sàng của Wang năm 2007 thực hiện trên 60 bệnh nhân hen dai dẳng mức độ vừa, được phân ngẫu nhiên vào nhóm điều trị (n = 30) và nhóm chứng (n = 30). Trong 2 tháng tiến hành nghiên cứu, bệnh nhân cả hai nhóm được sử dụng corticosteroid dạng hít và chất chủ vận β khi cần thiết. Kết quả cho thấy việc sử dụng đông trùng hạ thảo đã mang lại hiệu quả giảm viêm đáng kể so với nhóm bệnh nhân không được bổ sung đông trùng [14].

- Để khảo sát tác động của đông trùng hạ thảo (ĐTHT) đối với bệnh nhân hen suyễn dai dẳng từ trung bình đến nặng, 120 đối tượng được ngẫu nhiên nhận viên nang chứa ĐTHT trong 3 tháng (nhóm điều trị, n = 60), trong khi nhóm đối chứng (n = 60) không được điều trị bằng viên nang ĐTHT. Corticosteroid dạng hít và thuốc chủ vận β khi cần được sử dụng trong điều trị cả hai nhóm. Kết quả cho thấy nhóm điều trị cho thấy điểm chất lượng cuộc sống và chức năng phổi tăng đáng kể so với nhóm chứng. Đồng thời nồng độ các chất trung gian gây viêm trong huyết thanh đã giảm ở nhóm điều trị so với nhóm chứng. Do đó, kết luận được đưa ra là ĐTHT đã cải thiện các triệu chứng hen suyễn, chức năng phổi và tình trạng viêm ở những bệnh nhân bị hen suyễn từ trung bình đến nặng [17].

- Một tài liệu được đăng tải trên tạp chí Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine đã tổng hợp kết quả của 15 nghiên cứu can thiệp, bao gồm 1.238 người tham gia, đáp ứng các tiêu chí thu nhận. Phân tích tổng hợp cho thấy rằng đông trùng hạ thảo hay chế phẩm của nó đều cho thấy những lợi ích tiềm năng trong chức năng phổi, sức bền luyện tập, chất lượng cuộc sống và cải thiện các triệu chứng. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo. Vì vậy ĐTHT có thể là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho bệnh nhân COPD [18].

Tài liệu tham khảo
- Zhang, S.S., Zhang, B.D., 1958. Pharmacological effects of Cordyceps sinensis. Acta Pharmaceutica Sinica 6, 142–146.
- Li, C.C., Huang, Z.Q., Quo, X.F., 1983. Pharmacological investigation onCordyceps sinensis and Paecilomyces sinensis. Fu Jian Yi Yao Za Zhi 5, 311–314
- Wang, Q., Zhao, Y., 1987. Comparison of some pharmacological effects between Cordyceps sinensis (Berk). Sacc. and Cephalosporium sinensis Chen sp. Zhong Yao Tong Bao 12, 42–46.
- Lin, X.X., Xie, Q.M., Shen, W.H., Chen, Y., 2001. Effects of fermented Cordyceps powder on pulmonary function in sensitized guinea pigs and airway inflammation in sensitized rats. Zhongguo Zhong Yao Za Zhi 26, 622–625.
- Syed Amir Ashraf, Abd Elmoneim O. Elkhalifa, Arif Jamal Siddiqui (2020). Cordycepin for Health and Wellbeing: A Potent Bioactive Metabolite of an Entomopathogenic Medicinal Fungus Cordyceps with Its Nutraceutical and Therapeutic Potential. Molecules 2020, 25, 2735.
- Han, E.S.; Oh, J.Y.; Park, H.J. Cordyceps militaris extract suppresses dextran sodium sulfate-induced acute colitis in mice and production of inflammatory mediators from macrophages and mast cells. J. Ethnopharmacol. 2011, 134, 703–710.
- Jeong, J.W.; Jin, C.Y.; Kim, G.Y.; Lee, J.D.; Park, C.; Kim, G.D.; Kim, W.J.; Jung, W.K.; Seo, S.K.; Choi, I.W.; et al. Anti-inflammatory effects of cordycepin via suppression of inflammatory mediators in BV2 microglial cells. Int. Immunopharmacol. 2010, 10, 1580–1586.
- Liu, J., Tong, X.F., Guan, C.H., Shen, H.H., Lu, Q.H., 2003. The effects ofCordyceps sinensis on balance of cytokines of Th1/Th2 in chronic obstructive pulmonary disease in rats. Chinese Journal of Tuber Respiratory Diseases 26, 191–192
- Zhang, N.Z., Zhao, L.P., Zhou, X.Z., Ji, H.Y., 2004. The effects of Panax notoginseng–Cordyceps sinensis Capsule on TNF-alpha expression in chronic obstructive pulmonary disease in rat model. Journal of Emergency in Traditional Chinese Medicine 13, 107–108.
- Guan, C.H., Liu, J., 2007. Effect of Cordyceps on pulmonary inflammation in rat model of chronic obstructive pulmonary disease. Zhejiang Medical Journal 29, 186–188.
- Wei, T., Jin, Z.L., Kung, X.J., Wei, W.L., 2002. Study on functions of Cordyceps sinensis mycelium about cough-relief, expectorant effect, antisepsis and anti inflammatory effect. Food Sciences 23, 126–130.
- Chun-kit Fung , Wing-hung Ko (2011).Cordyceps Extracts and the Major Ingredient, Cordycepin: Possible Cellular Mechanisms of Their Therapeutic Effects on Respiratory Disease. intechopen.com. Truy cập 15/10/2020.
- Yang, L.T., Cheng, D.Y., Fang, X., Nie, L., Mu, M., Hu, X.B., 2005. Regulatory effects of Cordyceps sinensis powder on the imbalance of collagen metabolism of lung tissue in blemycin-induced rat pulmonary fibrosis. Respirology 10, A194.
- Wang, N.Q.; Jiang, L.D.; Zhang, X.M.; Li, Z.X. (2007) Effect of dongchong xiacao capsule on airway inflammation of asthmatic patients. Zhongguo Zhong Yao Za Zhi, 32, 1566–1568.
- Xu H.; Li S.; Lin Y.; Liu R.; Gu Y.; Liao D. (2011) Effectiveness of cultured Cordyceps sinensis combined with glucocorticosteroid on pulmonary fibrosis induced by bleomycin in rats. Zhongguo Zhong Yao Za Zhi, 36, 2265–2270.
- Li, F.H.; Liu, P.; Xiong, W.G.; Xu, G.F. Effects of corydyceps polysaccharide on liver fibrosis induced by DMN in rats. Zhongguo Zhong Yao Za Zhi 2006, 31, 1968–1971.
- Ningqun Wang, Jie Li, Xiaobo Huang et al.(2016). Herbal Medicine Cordyceps sinensis Improves Health-Related Quality of Life in Moderate-to-Severe Asthma. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine.
- Xuhua Yu, Yuquan Mao, Johannah Linda Shergis et al. (2019). Effectiveness and Safety of Oral Cordyceps sinensis on Stable COPD of GOLD Stages 2–3: Systematic Review and Meta-Analysis. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine.
Bài viết liên quan: