Linh chi từ lâu đã là một loại nấm thảo dược nổi tiếng và quen thuộc với mọi người. Nấm linh chi có rất nhiều công dụng cho sức khỏe như chống ung thư, chống oxy hóa, ức chế sự nhân lên của virus và vi khuẩn, giảm đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, bảo vệ gan và hệ tiêu hóa. Một công dụng khác của nấm linh chi đã được rất nhiều chuyên gia nghiên cứu và chứng minh chính là công dụng hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu và tăng huyết áp.
Bệnh rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp
- Tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu đều là những căn bệnh phổ biến toàn cầu, nhất là ở lứa tuổi trưởng thành. Rối loạn lipid máu thường gặp ở người tăng huyết áp (83,3%) và tỷ lệ mắc tăng theo tuổi. Đồng thời, rối loạn lipid máu chính là yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp. Rối loạn mỡ máu làm tăng lắng đọng mảng xơ vữa và gây chít hẹp thành mạch, từ đó gây tăng huyết áp. Cả hai đều là những căn bệnh mãn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, xơ vữa động mạch.
Công dụng của nấm linh chi trong điều trị rối loạn mỡ máu
Nghiên cứu của Rosália Rubel năm 2011
Thử nghiệm đã tiến hành trên chuột và được công bố kết quả trên Tạp chí Thế giới về Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học [1], cụ thể như sau:
- Sau 12 tuần được cho ăn chế độ ăn bổ sung linh chi, trọng lượng cơ thể của nhóm chuột thử nghiệm này là 26,5 g (± 1,46 g) thấp hơn so với nhóm chuột không bổ sung linh chi (nhóm chứng) là 29,4 g (± 0,76 g).
- Thử nghiệm cũng cho thấy lượng đường trong máu của nhóm sử dụng linh chi giảm so với nhóm chứng không dụng linh chi. Cụ thể mức đường huyết ở nhóm thử nghiệm là 214 g/dl, còn nhóm chứng là 238 g/dl.
- Các con chuột trong thử nghiệm được gây tăng cholesterol máu bằng cách bổ sung 5% mỡ lợn vào chế độ ăn. Đối với nhóm chuột được bổ sung thêm nấm linh chi, nồng độ cholesterol trong huyết tương thấp hơn 8% so với nhóm chứng không sử dụng linh chi, cụ thể là 57,66 ± 0,33 g/dl và 62,66 ± 0,91 g/dl tương ứng từng nhóm.
- Cũng với nhóm chuột được bổ sung linh chi, nồng độ lipid huyết tương của chúng giảm đáng kể (14%), mức cholesterol HDL tăng 86% trong khi mức cholesterol LDL giảm 98% so với nhóm chứng. Tỷ lệ giữa tổng lượng cholesterol trên HDL cholesterol và LDL cholesterol trên HDL đều giảm ở nhóm chuột thử nghiệm.
Những kết quả này cũng tương tự kết quả các nghiên cứu của Kabir (1988) và Berger (2004 về tác dụng hạ lipid máu của chế độ ăn có bổ sung nấm linh chi [2], [3].
Các nghiên cứu khác
- Nghiên cứu của Hajjaj và cộng sự (2005) đã chứng minh rằng lanosterol 14a-demethylase, chất chuyển đổi lanosterol thành cholesterol, có thể bị ức chế bởi oxygenosterol từ linh chi [4].
- Nghiên cứu của Fukushima và cộng sự (2000) báo cáo rằng các chất xơ khó tiêu, chẳng hạn như β(1,3)-glucans có trong nấm linh chi được góp phần làm giảm sự hấp thụ cholesterol ở ruột non hoặc liên kết với axit mật và do đó đẩy nhanh quá trình thoái hóa cholesterol trong ruột [5].
- Nghiên cứu của Afrose và cộng sự (2009) về các đặc tính hóa thực vật của nấm linh chi đã cho thấy sự hiện diện của thành phần saponin. Saponin được biết đến với hoạt tính làm giảm cholesterol trong máu hiệu quả bằng cách ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol trong lòng mạch [6].
Công dụng của nấm linh chi trong điều trị tăng huyết áp
- Kết quả nghiên cứu của Shevelev năm 2018 cho thấy sau 7 tuần điều trị bằng nấm linh chi, huyết áp ở chuột bị cao huyết áp đã giảm tương đương với việc sử dụng thuốc losartan. Bên cạnh đó, lưu lượng máu qua các mạch chính không những không giảm xuống mà còn tăng lên ở nhóm chuột điều trị bằng linh chi. Ngược lại, ở nhóm điều trị bằng losartan thì không làm tăng lưu lượng máu. Sự gia tăng lưu lượng máu ở nhóm chuột được dùng linh chi có thể là do tăng hoạt động tế bào thần kinh và tiêu thụ oxy, có thể được giải thích gián tiếp bằng cách chuyển sự cân bằng của chất dẫn truyền thần kinh ức chế và kích thích sang kích thích [7].
- Hai nghiên cứu của Mohamad Ansor (2013) và Tran (2014) đã chứng tỏ tác dụng hạ huyết áp của linh chi là do sự hiện diện của protein chống men chuyển angiotensin trong sợi nấm và thể quả của nó [8],[9]. Angiotensin là enzyme có tác dụng gây co thắt mạch máu và gây tăng huyết áp. Ức chế angiotensin giúp giảm huyết áp bằng cách làm giãn mạch, giảm sức cản ngoại biên, từ đó giảm áp lực lên thành mạch.
Kết luận
- Công dụng của nấm linh chi đối với 2 bệnh rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khác nhau. Do đó, việc sử dụng trực tiếp nấm linh chi cũng như các chế phẩm từ nấm linh chi sẽ rất phù hợp cho các đối tượng bị tăng huyết áp, tiền tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu.
Tài liệu tham khảo
- Rosália R., Herta S.D.S., Luiz Cláudio F. et al (2011). Hypolipidemic and antioxidant properties of Ganoderma lucidum (Leyss:Fr) Karst used as a dietary supplement. World J Microbiol Biotechnol. 27:1083–1089.
- Kabir Y., Kimura S., Tamura T. (1988). Dietary effect of Ganoderma lucidum mushroom on blood pressure and lipid levels in spontaneously hypertensive rats (SHR). J Nutr Sci Vitaminol (Tokyo) 34(4):433–438.
- Berger A, Rein D, Kratky E, Monnard I, Hajjaj H et al. (2004). Cholesterol-lowering properties of Ganoderma lucidum in vitro, ex vivo, and in hamsters and minipigs. Lipids Health Dis 3:2.
- Hajjaj H, Mace´ C, Roberts M, Niederberger P, Fay LB (2005). Effect of 26-Oxygenosterols from Ganoderma lucidum and their activity as cholesterol synthesis inhibitors. Appl Environ Microb 71(7):3653–3658.
- Fukushima M, Nakano M, Morii Y, Ohashi T et al. (2000). Hepatic LDL receptor mRNA in rats is increased by dietary mushroom (Agaricus bisporus) fiber and sugar beet fiber. J Nutr 130(9):2151–2156.
- Afrose S, Hossain MS, Maki T, Tsujii H (2009). Karaya root saponin exerts a hypocholesterolemic response in rats fed a highcholesterol diet. Nutr Res 29(5):350–354.
- Oleg B. Sheveleva, Alisa A. Seryapinaa, Evgenii L. Zavjalova et al. (2018). Hypotensive and neurometabolic effects of intragastric Reishi (Ganoderma lucidum) administration in hypertensive ISIAH rat strain. Phytomedicine 41: 1–6.
- Mohamad Ansor, N., Abdullah, N., Aminudin, N., (2013). Anti-angiotensin converting enzyme (ACE) proteins from mycelia of Ganoderma lucidum (Curtis) P. Karst. BMC Complement. Altern. Med. 13, 256.
- Tran, H.B., Yamamoto A., Matsumoto S., Ito H., et al. (2014). Hypotensive effects and angiotensin-converting enzyme inhibitory peptides of reishi (Ganoderma lingzhi) auto-digested extract. Molecules 19 (9), 13473–13485.
Bài viết liên quan: