Từ lâu, nấm linh chi (Ganoderma lucidum) đã được sử dụng như một loại thảo dược quý để bồi bổ và nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà chúng ta có thể sử dụng nấm linh chi một cách tùy tiện hoặc lạm dụng nó quá mức. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về nấm linh chi và những lưu ý khi sử dụng nấm linh chi.
Giới thiệu về nấm linh chi – Ganoderma lucidum
- Nấm linh chi, tên khoa học là Ganoderma lucidum, thuộc họ Nấm lim (Ganodermataceae). Nấm linh chi còn có những tên khác như Tiên thảo, Nấm trường thọ, Vạn niên nhung.
- Nấm linh chi là loại nấm hóa gỗ, sống lâu năm. Khi mới mọc, cây nấm có màu trắng sữa, bề mặt khá nhẵn bóng. Khi phát triển, mặt trên của nấm lại chuyển sang màu nâu đỏ, mặt dưới có màu trắng hoặc hơi vàng. Đến khi trưởng thành, các bào tử nấm màu nâu bám ở mặt trên. Về hình dạng bên ngoài, cây có mũ nấm có hình tròn méo hoặc hình thận [1].
- Linh chi đã được công nhận là một loại nấm dược liệu từ hơn 2000 năm trước và tác dụng tuyệt vời của nó đã được ghi nhận trong các quyển sách cổ. Trong Thần nông bản thảo, nấm linh chi được xếp vào loại siêu thượng phẩm hơn cả nhân sâm, trong Bản thảo cương mục nấm linh chi được coi là loại thuốc quý, có tác dụng bảo vệ gan, giải độc, tốt cho tim mạch và tăng cường trí não. Gần đây các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản phát hiện nấm linh chi còn có tác dụng phòng chống un.g th.ư, chống lão hóa và làm tăng tuổi thọ. Do đó, nấm linh chi từ lâu đã được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản và ngày càng trở nên phổ biến ở các nước châu Á khác [2].
Dưỡng chất được tìm thấy trong nấm linh chi – Ganoderma lucidum [3]
- Nấm linh chi chứa nhiều phân tử có hoạt tính sinh học cao, chẳng hạn như terpenoid, steroid, polyphenol, nucleotid, adenosin, glycoprotein và polysaccharid. Protein trong linh chi chứa rất nhiều acid amin thiết yếu và đặc biệt là giàu leucin và lysin. Acid béo không bão hòa trong linh chi giúp nâng cao thể trạng cho người dùng.
- Linh chi còn chứa lượng lớn các vitamin và khoáng chất như kali, calci, magie, sắt, natri, kẽm. Thành phần Germani cao thứ năm về nồng độ có trong linh chi, là hoạt chất quý được biết đến như có khả năng sinh miễn dịch, chống oxy hóa, chống ung thư và vi khuẩn, bảo vệ gan.
- Các triterpen trong linh chi khá nổi tiếng đó là acid ganoderic, lucidenic, ganodermic. Các triterpen này được biết đến có nhiều công dụng như giảm lipid máu, chống oxy hóa, chống viêm, chống ung thư, hạ đường huyết.
Công dụng của nấm linh chi – Ganoderma lucidum [4]
Chống ung thư
- Nhiều polysaccharid và triterpen, hai nhóm thành phần chính trong linh chi thể hiện tác dụng chống ung thư đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu từ những thử nghiệm trên mô hình invitro, mô hình invivo và cả trên cơ thể sinh vật và con người.
- Rõ ràng hơn là thử nghiệm sự kháng tế bào ung thư trong ống nghiệm. So sánh 58 loại nấm khác nhau, trong đó linh chi được chứng minh là có hiệu quả nhất trong tiêu diệt tế bào ung thư. Chiết xuất từ linh chi giúp điều chỉnh chu kỳ tế bào, làm các tế bào ung thư tuân theo sự chết theo chu trình.
- Chiết xuất hoạt chất trong linh chi cho thấy tác dụng ức chế hình thành mạch, ngăn sự phát triển và lan rộng của khối u. Thử nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất linh chi giàu acid lucidenic có tác dụng làm giảm cả số lượng và kích thước khối u, làm tăng đáng kể tuổi thọ những con chuột được cấy tế bào ung thư biểu mô phổi.
- Nghiên cứu về linh chi trên cơ thể người được đăng trong sách Herbal Medicine Biomolecular And Clinical Aspects năm 2011, nghiên cứu trên 134 bệnh nhân mắc ung thư tiến triển ở nhiều vị trí khác nhau, được sử dụng viên nang linh chi với liều 1800mg/ngày trong 12 tuần. Miễn dịch tế bào ở 80% bệnh nhân được tăng cường đáng kể, chất lượng cuộc sống được cải thiện khoảng 65%.
Chống oxy hóa
- Sử dụng linh chi tường xuyên là cách bổ sung chất chống oxy hóa cho cơ thể, giúp ngăn ngừa ung thư và các bệnh mãn tính khác. Chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào và cấu trúc ADN khỏi tổn thương do các gốc tự do (chất oxy hóa) gây ra, qua đó làm giảm nguy cơ gây đột biến và ngăn ngừa ung thư.
- Chất chống oxy hóa trong linh chi cũng bảo vệ cơ thể khỏi tia cực tím, trung hòa gốc tự do, làm trẻ hóa và bảo vệ làn da, kéo dài tuổi thanh xuân.
Ức chế sự nhân lên của virus và vi khuẩn
- Ganoderma lucidum proteoglycan phân lập từ linh chi cho thấy tác dụng ức chế với virus Herpes simplex.
- Một nghiên cứu khác, acid ganoderic phân lập từ linh chi cho thấy tác dụng ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B.
- Sử dụng linh chi thường xuyên còn cho thấy sự hiệu quả ở bệnh nhân bị đau dây thần kinh (do virus Varicella zoster).
- Tác dụng kháng khuẩn của linh chi đã được nghiên cứu trên mô hình invitro và invivo đối với nhiều loại vi khuẩn gram (-) và gram (+). Kết quả cho thấy linh chi ức chế sự tăng trưởng của nhiều vi khuẩn, chiết xuất từ linh chi thậm chí kháng một số loại vi khuẩn còn tốt hơn cả kháng sinh được dùng trong thử nghiệm.
Giảm đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường
- Polysaccharid phân lập từ linh chi cho thấy tác dụng giảm đường huyết ở chuột thí nghiệm, làm tăng insulin huyết tương.
- Nghiên cứu được báo cáo năm 2004 trên 71 bệnh nhân đái tháo đường type 2 sử dụng chiết xuất polysaccharid từ linh chi với liều 1800 mg, ba lần mỗi ngày trong 12 tuần. Kết quả cho thấy tác dụng hạ mức đường huyết, giúp ổn định đường huyết ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2 trong nghiên cứu.
Bảo vệ gan và hệ tiêu hóa
- Hoạt chất acid ganoderenic A trong linh chi bảo vệ gan khỏi rượu và chất chuyển hóa độc hại của nó, chống lại các tác nhân oxy hóa làm hại gan, duy trì men gan ở mức bình thường. Quá trình bảo vệ gan khỏi gốc tự do một cách triệt để, ngay cả các gốc superoxid và hydroxyl.
- Polysaccharid từ linh chi còn cho thấy sự cải thiện tình trạng xơ gan ở chuột thí nghiệm, men gan ổn định, mô học gan được cải thiện đáng kể, bảo vệ gan khỏi sự tăng hoạt động của enzyme collagenase.
- Tác dụng của linh chi với tổn thương dạ dày cũng được nghiên cứu trên mô hình chuột vào năm 2004, vết loét dạ dày do acid acetic lành nhanh hơn 40-56% so với bình thường. Lượng chất nhầy được khôi phục đáng kể.
Tác dụng phụ của nấm linh chi – Ganoderma lucidum [5]
- Nấm linh chi có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm khô miệng, ngứa cổ họng và vùng mũi, khó chịu ở dạ dày, chảy máu mũi và phân có máu.
- Uống rượu nấm linh chi có thể gây phát ban.
- Hít phải bào tử nấm linh chi có thể gây ra dị ứng.
Lưu ý khi sử dụng nấm linh chi [5]
Khi sử dụng nấm linh chi, cần tránh sử dụng chung với các thuốc sau:
Thuốc điều trị huyết áp cao
- Nấm linh chi có thể làm giảm huyết áp. Do đó uống nấm Linh chi cùng với thuốc trị cao huyết áp có thể khiến huyết áp của bạn xuống quá thấp.
- Một số loại thuốc điều trị huyết áp cao bao gồm captopril, enalapril, losartan, valsartan, diltiazem, amlodipine, hydrochlorothiazide.
Thuốc chống đông máu/thuốc chống kết tập tiểu cầu
- Nấm linh chi liều cao có thể làm chậm quá trình đông máu. Dùng nấm linh chi cùng với các loại thuốc làm chậm đông máu có thể làm tăng khả năng bị bầm tím và chảy máu.
- Một số loại thuốc làm chậm quá trình đông máu bao gồm aspirin, clopidogrel, diclofenac, ibuprofen, naproxen, daltoxin , heparin, warfarin và các loại khác.
Đối tượng không nên sử dụng nấm linh chi [5]
- Phụ nữ có thai và cho con bú: Không có đủ thông tin đáng tin cậy về sự an toàn của việc dùng nấm linh chi cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
- Người bị rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, người đang bị xuất huyết hoặc người mới phẫu thuật: không nên sử dụng do nấm linh chi liều cao có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Đặc biệt đối với người sắp phẫu thuật phải ngừng sử dụng nấm linh chi ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
- Người có huyết áp thấp: Nấm linh chi làm giảm huyết áp, do đó có thể gây tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu và mất ý thức.
Một số lưu ý khi sử dụng nấm linh chi để đạt được hiệu quả tốt nhất
- Dựa vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà có thể sử dụng liều lượng nhiều hoặc ít hơn sao cho phù hợp với cơ thể. Ví dụ những người nhạy cảm khi mới dùng chỉ nên dùng 2-3 gam cho cơ thể quen dần và từ tăng lên.
- Nấm linh chi nên dùng tốt nhất vào buổi sáng sớm, khi bụng còn đói (ngoại trừ những người bị bệnh liên quan đến dạ dày) để giúp thanh lọc cơ thể hiệu quả và tốt cho gan.
- Trong thời gian 1 – 2 tháng đầu, khi cơ thể đang bắt đầu đào thải độc tố sẽ gây ra một số phản ứng phụ vì vậy người dùng cần phải kiên nhẫn và uống thêm nước lọc, ăn nhiều rau xanh, trái cây.
- Người có hệ tiêu hóa kém nên dùng nước linh chi ấm, không nên uống lạnh, ngoài ra bệnh nhân đau dạ dày nên sử dụng nấm linh chi với mật ong, nghệ vàng sẽ rất tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng và đặc biệt sẽ càng làm phát huy công dụng chăm sóc sức khỏe.
- Nên dùng nấm đều đặn hàng ngày để cảm nhận được hiệu quảcải thiện sức khỏe.
- Nấm linh chi chỉ là một loại thảo dược giúp ích cho sức khỏe nên không thể thay thế thuố.c chữa bệnh, các trường hợp bệnh nặng nên kết hợp với tây y để đạt hiệu quả tốt hơn.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2011), “Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản thời đại, tr 831 – 833.
- Lê Xuân Thám, Ph.D. “Nấm Linh chi Ganodermataceae tài nguyên dược liệu quý ở Việt Nam”, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, tr 12 – 57.
- Diana Swisher BA (2006). Reishi Mushroom Ganoderma lucidum Standards of Analysis, Quality Control, and Therapeutics. American Herbal Pharmacopoeia.
- Sanem Bulam, Nebahat Sule Ustun, Aysun Peksen (2019). Health Benefits of Ganoderma lucidum as a Medicinal Mushroom. Turkish Journal of Agriculture – Food Science and Technology, p 84-93.
- https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-905/reishi-mushroom
Bài viết liên quan: